Tên thường gọi: Thổ tam thất còn gọi là Bạch truật nam, Bầu đất dại, Cúc tam thất, Kim thất nhật, Ngải rít, Cỏ tàu bay.
Tên khoa học: Gycura pseudochina DC. (Câclia bulbosa Lour.)
Họ khoa học: Thuộc họ cúc Asteraceae (Compositae).
(Mô tả, hình ảnh cây Thổ tam thất, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý...).
Cây mọc thẳng đứng nhẵn, có rễ củ tròn, mẫm. Lá mọc ở gốc, hình bầu dục thuôn dài, đầu tù, phía gốc lá hẹp lại gần như nguyên hay lượn sóng hoặc sẻ lông chim. Cụm hoa hình đầu vàng nhạt, 1-5 mọc thành ngù ở ngọn. Tổng bao có lá bắc phía ngoài 4mm, phía trong 10mm. Quả bế trụ, trên đỉnh và gốc có một đĩa, dài 2,5mm.
Cây mọc phổ biến trong các savan cỏ khô hạn khắp Ðông Dương và cũng phổ biến ở Ấn Độ, Inđônêxia, Thái Lan, Trung Quốc. Ở nước ta, thường gặp ở vùng núi Quảng Trị, Lâm Ðồng, Tây Ninh cho tới đồng bằng. Một số nơi trồng với tên thổ tam thất, nam bạch truật,bạch truật nam.
Chủ yếu người ta đào lấy củ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con rồi phơi hay sây khô hoặc thài mỏng phơi hay sấy khô. Một số nơi dùng lá tươi làm thuốc.
Thổ tam thất có chứa các alcaloid nhân pyrolizidin như senecionin, seneciphylin, seneciphylinin, ngoài ra còn chứa gynurin, acid succinic, D.manitol, thymin, adenin....
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị...)
Lá cây có tính làm dịu và tan sương có tác dụng giải nhiệt và tiêu độc.
Củ có tính bổ dưỡng, điều huyết.
Ở Hải Nam (Trung Quốc), người ta cho rằng rễ chống ho, làm mát máu, sinh tân dịch.
Thân và lá có thể dùng làm rau ăn như rau bầu đất, vừa mát lại giải nhiệt. Người ta thường dùng cây lá giã nát đắp trên các mụn nhọt để làm tan sưng và trị viêm quầng.
Rễ củ thái mỏng phơi hay sấy khô tán nhỏ sắc uống cho phụ nữ mới sinh nở, làm thuốc bổ và điều kinh. Người ta còn dùng để chữa sốt. Ngày dùng 6-12g.
Lá giã nát đắp lên các mụn nhọt cho tan. Nước sắc lá dùng để chữa đau họng.
Theo Poilane, lá cây có tác dụng ngăn thụ thai.
Người ta còn dùng củ sắc uống làm thuốc trị sốt rét, nên ở vùng Lai Vung tỉnh Ðồng Tháp có tên gọi là Ngải rét; có khi còn dùng làm thuốc đắp vào tay người bệnh khi lên cơn.
Rễ còn được dùng trị xuất huyết tử cung, lỵ và tiêu viêm các vết thương.
Ở Ấn Độ, cây được dùng làm thuốc dịu, tan sưng, dùng chữa viêm quầng và u bướu ở vú. Dịch lá làm thuốc súc miệng dùng khi bị viêm họng.
Rễ củ cây này thường được dùng với tên tam thất hay bạch truật. Sự thực tam thất lá rễ củ của cây Panax pseudoginseneng thuộc họ Ngũ gia bì Araliaceae có mọc ở những vùng núi cao lạnh ở nước ta; bạch truật là củ của cây bạch truật Atractylodes macrocephala Koidz, mới di thực được nhưng chưa phát triển lớn, do đó hiện ta còn phải nhập của nước ngoài.
Trong nhân dân còn dùng với tên tam thất: củ của những cây Stahlianthus thorelli Gagnep (tam thất nam) và cây Kaempferia rotunda L. (ngải máu) đều thuộc họ Gừng Zingiberaceae. Đáng chú ý là cây tam thất gừng được nhân dân miền Nam Trung Quốc cũng dùng với tên Khương tam thât (tam thất gừng) để chữa đau xương, nôn ra máu, kinh nguyệt quá nhiều (ngày dùng 6-10g dưới dạng sắc hay ngâm rượu).
Theo Phòng khám Đông y Nguyễn Hữu Toàn
*************************
|
|