Tên thường gọi: Nhãn hương, Kiều đậu.
Tên khoa học: Melilotus suaveolens Ledeb.
Họ khoa học: thuộc họ Đậu - Fabaceae.
(Mô tả, hình ảnh cây Nhãn hương, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ....)
Cây thảo mọc đứng, cao 60-90cm, nhánh mảnh không lông. Lá có 3 lá chét, lá chét hình trái xoan ngược thuôn, lá phía trên thuôn dài, dài từ 12-15mm, gân phụ mảnh, 9-19 cặp, mép có răng ở phần trên, lá kèm đính vào cuống. Chùm hoa cao 3-10cm, hoa nhỏ màu vàng hay trắng. Quả hình trái xoan - bầu dục, cao 3-5mm, nhăn nheo nhiều, khi chín màu đen, chứa 1-2 hạt bầu dục.
Hoa tháng 4-5, quả tháng 6.
Toàn cây - Herba Meliloti Suaveolentis.
Loài cây của Âu châu, Bắc Mỹ và Á châu. Ở nước ta, cây phân bố rải rác ở nhiều tỉnh, thường gặp mọc hoang ở Vĩnh Phú, Hoà Bình tới Ninh Bình và các bãi đất bồi ven sông Hồng, ven sông Đáy. Thu hái ngọn, thân và hoa vào mùa hạ, thái ngắn, phơi khô. Rễ thu hái cuối mùa hạ, đầu mùa thu, rửa sạch, phơi khô.
Cây chứa coumarin.
Cây nhãn hương Melilatus suaveolens chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Nhưng khi phơi khô cũng có mùi thơm như cây Melilotus officinalis đã được nghiên cứu giới thiệu sau đây:
Trong cây tươi Melilotus officinaliscó một heterozit gọi là melilotozit. Trong quá trình phơi khô, melilotozit bị men emunsin thuỷ phân cho glucoza và axit cumaric. Axit cumaric bị khử nước, đóng vòng lacton cho cumarin. Hàm lượng cumarin thay đổi tuỳ theo loài, lá chứa nhiều hơn là thân và hàm lượng cao nhất vào trước lúc ra hoa. Trung bình trong cỏ khô có 0,4 đến 0,9% cumarin bên cạnh cumarin còn có axit melilotic:
Trong cỏ Meliotus officinalis bị thối có một chất độc gọi là icumarola hay metyl-3hydroxy- 4-cumarin. Súc vật ăn phải cỏ thối này có thể bị xuất huyết nặng, có khi chết. Hiện tượng súc vật bị ngộ độc này thường thấy ở Canada và Mỹ. Nhưng mãi tới năm 1931, Scofield mới phát hiện thấy rằng chất này do cumarin bị một thứ nấm trong cây biến thành. Link và những người cộng sự đã xác định và tổng hợp được dicumarol vào năm 1941.
Trong thân,lá và hoa nhãn hương có tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là dihydrocumarin C9H802 (Trung Quốc kinh tế thực vật chí, 1961, 1360).
Toàn cây chứa khoảng 3,5% chất béo, chừng 7% pectin. Hạt chứa 6% chất béo.
(Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng ....)
Lá khô thơm mùi nhãn. Toàn cây có vị cay, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, kiện vị hoá thấp, lợi niệu, sát trùng. Rễ có vị hơi đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Toàn cây dùng trị:đau mắt, Kiết lỵ, sốt rét, miệng hôi thối và chứng đau đầu, cảm sốt. Liều dùng: 12-20g, sắc uống.
Rễ dùng trị: Lâm ba kết hạch. Dùng 40-80g rễ ngâm trong 1 lít rượu trắng. Một tuần sau, dùng mỗi lần một chén nhỏ; ngày dùng 3 lần.
Ngọn cây có hoa phơi khô 50-100g hãm với 100ml nước sôi, để nguội, rửa mắt; ngày hai lần.
Toàn cây 20-30g, nấu nước rồi xông, hít.
Nhãn hương 30g, sắc nước uống, dùng 4 giờ trước khi có cơn sốt.
Theo Phòng khám Đông y Nguyễn Hữu Toàn
*************************
|
|