Banner
HOME MENU  Tìm kiếm

NGA TRUẬT

Tên khác

Tên Hán Việt khác: Bồng nga truật, Thuật dược, Thuật, Nga mậu, Mậu dược, Quảng mậu, Ba xát, Thanh khương, Bồng truật, Phá quan phủ (Hòa Hán Dược Khảo) Nga truật, Xú thể khương, Hắc tâm khương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Nghệ đen, Ngải tím, Nghệ xanh, Bồng truật, Nga truật, Tam nại (Việt Nam).

Tên khoa học: Curcuma zedoaria Roscoe. Họ khoa học:  Gừng (Zingiberaceae).

 Cây nga truật

( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ....)

Mô tả:

Cây thảo cao chừng 1-1,5m có thân rễ hình nón, có khía dọc, củ tỏa ra theo hình chân vịt, đặc nạc, vỏ củ màu vàng nhạt ở bên ngoài, vỏ già có những vòng màu đen, ruột màu tím xanh. Ngoài những củ chính ra, còn có những củ phụ có cuốn trái xoan hay hình quả lê, màu trắng. Lá có bẹ dài ở gốc, phiến hình mũi mác dài tới 60cm, rộng cm, có những đốm đỏ dọc theo gân chính, không có cuốn hay có cuốn ngắn. Cán hoa ở bên cạnh hoa có lá, mọc từ rễ, dài tới 20cm thường xuất hiện trước khi ra lá. Cụm hoa hình trụ dài tới 20cm rộng 5cm lá bắc phía dưới hình trái xoan hay hình mũi mác tù, lợp lên nhau, màu lục nhạt, viền đỏ ở mép, các lá bắc bên trên không sinh sản màu vàng nhạt, điểm thêm màu hồng ở chóp. Hoa nhiều dào 4-5cm, màu vàng. Đài hình ống, có lông, có ba răng, không đều. Tràng hình ống dài hơn đài 3 lần, các thùy hình mũi mác tù. Bao phấn hình trái xoan có các ô kép dài xuống dưới  thành cựu rẽ ra, ngọn trung đới dạng bản tròn, chỉ nhị dính với các nhị kép. Cánh môi thót lại ở gốc, lõm lại ở đỉnh, màu vàng, nhị lép hình mũi mác tù hay thuôn dính nhau ở nửa dưới. Bầu có lông, nhụy lép hình đùi.

Phân biệt:

(1) Củ rễ của Nga truật gọi là Nga linh có nơi người ta dùng với tên Uất kim cần nên phân biệt (Xem: Uất kim).

(2) Có trường hợp lấy Nga truật sửa sang hình dạng, để giả dạng nhân sâm tam thất (Xem: điền thất).

(3) Phân biệt với Nghệ trắng (Curcuma aromatica salisp).

Địa lý:  Mọc hoang và được trồng ở vườn ruộng nước Việt Nam.

Phần dùng làm thuốc: Thân rễ (củ) tươi hay khô. Củ khô rất cứng vỏ ngoài màu vàng nâu, trong sầm xanh, đen dần (nên gọi là Hắc tâm khương) có mùi thơm đặc biệt củ có hình con quay.

Mô tả dược liệu: Nga truật dùng thân củ khô hình con thoi hoặc hình tròn trứng, hơi dẹt, đầu dưới nhỏ dần, đầu trên hơi phình to, dài khoảng 2-4cm đến hơn 3cm, thô khoảng 12mm đến 27mm, bên ngoài màu xám nâu, bóng trơn hoặc có vết nhăn ngang dọc không đều, đỉnh có đốt vòng nối dứt không đều, hình cạnh tù lồi lên, chính giữa có vết thân, vùng đốt vòng phình to đầu trên rõ ràng và khít hơn, đốt vòng đầu dưới không rõ , trên đốt có rải rác vết rễ hình viên trụ, hoặc gốc tàn rễ, chất cứng mặt cắt ngang  gần chất sừng, phần gân lớp bần, có 1 vòng lớp màu nâu đậm, chính giữa rải rác đốm chấm màu vàng đất, có mùi thơm nồng nặc đặc biệt, hơi cảm thấy kích thích.

Thành phần hoá học:

. Curzerenone 44,93%, Borneol 4,28%, Germacrone 6,16%, Pinene, Camphene, Limonene, 1,8-cineol, Terpinene, Isoborneol, Caryophylene, Curcumene, Caryophyllene epoxide, Turmerone, ar-turmerone,  Curdione (Phương Hồng Cự, Dược Học Học Báo 1982, 17 (6) : 441).

. Curcurmenole,  Isocurcurmenole (Chương Phản, Trung Thảo Dược 1986, 17 (6) : 244).

. Difurocumenone  (Shiba K và cộng sự, C A 1990, 112 : 42559a).

Tác dụng dược lý:

. Dầu Nga truật có tác dụng phá và ức chế tế bào ung thư gan. Nước sắc Nga truật làm tăng sự hấp thu máu và huyết cục trong bụng thỏ thực nghiệm, có tác dụng kháng khuẩn, kiện Vị và chống có thai sớm (Trung Dược Học).

Thu hái, sơ chế:

Thu hoạch củ vào mùa đông hoặc từ tháng 12-3 năm sau cắt bỏ rễ con rửa sạch.

Bào chế:

Hình ảnh nga truật chế dấm

Lấy chậu sành có đáy nhám đổ giấm vào mài Nga truật cho hết xong hơ trên than lửa cho khô rồn lấy bột ấy dùng (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

Lùi vào tro nóng cho chín mềm, giã nát nhỏ, tẩm giấm sao (Bản Thảo Cương Mục).

Đồ chín rồi phơi khô, xắc mỏng rồi phơi, hoặc trước khi xắc mỏng ngâm dấm (cứ 600g Nga truật ngâm với 160g dấm và 160ml nước), đun đến cạn, mang ra bào mỏng phơi khô. Nếu tứ chế được như Hương phụ thì càng tốt (Dược Tài Học).

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Củ tươi: rửa sạch, thái lát phơi khô. Khi dùng tẩm giấm hoặc nước đồng tiện một đêm, sao qua.

Củ khô: rửa sạch, đồ nhanh cho mềm rồi thái lát, tẩm sao như trên (thường dùng).

Tán bột (sau khi đã tẩm sao) để làm hoàn tán.

Bào chế như Hương phụ tứ chế thì rất tốt.

Bảo quản: Để nơi khô ráo, đậy kín, sấy phơi.

Vị thuốc nga truật

( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng .... )

Công dụng:

Hình ảnh quảng tây 
                nga truật

Là yếu dược trị các loại khí tích tụ (Bản Thảo Đồ Kinh).

Trị tim, hoành cách mô đau (Y Học Khải Nguyên).

Trị mã đao chưa phá mủ mà cứng (Trân Châu Nang).

Trị trùng tích (Dược Tính Năng Độc).

Năng trục thuỷ, trị bệnh ở Tâm, Tỳ, phá khí bĩ (Y Học nhập Môn).

Trị trưng hà, tích tụ, Khí trệ, thực tích, đau sưng vùng bụng trên, Ứ huyết, ứ  kinh,  ứ tích do chấn thương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Tính vị:

. Vị đắng cay, tính ôn, không độc (Khai Bảo Bản Thảo).

. Vị đắng, tính bình (Y Học Khải Nguyên).

. Vị đắng cay tính ấm (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Qui kinh:

Hình ảnh bồng nga truật

. Vào kinh Phế, Tỳ (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

. Vào kinh túc Quyết âm Can (Bản Thảo Hội Ngôn).

.Vào kinh Can (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Liều dùng:

3 – 9g.

Kiêng kỵ:

. Hợp với Tam lăng rất tốt (Bản Thảo Đồ Kinh).

. Suy nhược không có tính trệ, đàn bà có thai cấm dùng, nều dùng phải kèm Sâm và Truật (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

 Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc nga truật

Trị các chứng đau do lãnh khí xung tâm:

Bồng nga truật (tẩm rượu) 60g, Mộc hương (lùi) 30g, tán bột uống với giấm, mỗi lần 1,5g (Hộ Mệnh Phương).

Trị tiểu trường co thắt:

Nga truật tán bột, uống với rượu và Hành 3g, lúc đói (Hộ Mệnh Phương).

Trị đàn bà đau do khí huyết, lưng đau:

Vị thuốc nga truật

Nga truật, Can tất, 2 vị bằng nhau, tán bột, uống với rượu 6g, đau lưng uống với rượu, Đào nhân (Phổ Tế Phương).

Trị trẻ nhỏ đau bụng co quắp:

Nga truật 15g, A ngụy 3g, giã nát, đắp quanh bụng, sấy khô, bên trong uống với nước Tử tô (Bảo Ấu Đại Toàn ).

Trị trẻ nhỏ ọc sữa:

Nga truật một ít, một ít muối,  sắc với 1 chén nước, bỏ bã, thêm 1 ítù Ngưu hoàng vào uống (Bảo Ấu Đại Toàn ).

Trị trẻ nhỏ bị khí thống:

Nga truật đồ chín, tán bột, uống 3g với rượu  (Thập Toàn Phổ Cứu Phương).

Trị bế kinh, huyết tích:

Nga truật, Nghệ vàng, Nghệ trắng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Trị thức ăn uống đình trệ, tích tụ:

Bồng Nga truật, Nhân sâm, Quất bì, Súc sa mật, Kinh tam lăng, Nhục đậu khấu, Thanh bì, Mạch bá, Mộc hương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Trị đau bụng trệ nặng xuống do bế kinh:

Hình ảnh vị thuốc nga truật

Nga truật 6g, Xuyên khung 1,15g. Thục địa 9g, Bạch thược 9g, Bạch chỉ 9g, tán bột lần uống 9g ngày 3 lần với nước muối (Nga Truật Tán - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị đau sườn dưới:

Kim linh tử 15g, Nhũ hương, Mộc dược, Tam lăng, Nga truật mỗi thứ 1,15g sắc uống (Kim Linh Tả Can Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị gãy xương:

Nga truật, Điền thất (nghiền riêng uống với thuốc). Đài mã dược, Đào nhân mỗi thứ 6g, Thổ miết, Tam lăng, Oai linh tiên, Xích thược, Cốt toái bổ, tục đoạn, Hồng hoa, Trạch lan, mỗi thứ 3g, Sinh địa 9g, Quy vĩ 12g, sắc với nửa cân rượu ngày uống 1 thang (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị ăn uống tích trệ, ngực bụng đầy trướng, nôn mửa nước chua:

Bồng nga truật, Tam lăng, mỗi thứ 1,15g, Trần bì 9g, Hương phụ 6g, La bặc tử 1,15g, Sa nhân 3g, Thanh bì 6g, Chỉ xác 6g, Hồ hoàng liên 3g, Lô hội 3g, Hồ tiêu 3g 5, tán bột trộn hồ làm viên mỗi lần uống 1-9g, ngày 2 lần với rượu nóng. Cữ ăn uống sống lạnh ( Nga Truật Hoàn - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị tắt kinh, bụng đau:

Nga truật 8g, Xuyên khung 5g, Thục địa 10g, Bạch thược, Bạch chỉ đều 10g. Tán bột min, mỗi lần uống 10g, ngày 3 lần, với nước muối nhạt (Nga Thủy Tán  - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  

Trị đau hông sườn: 

Kim linh tử 15g, Nhũ hương, Một dược, Tam lăng, Nga truật đều 5g, sắc uống (Kim Linh Tả Can Thang - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  

Trị chấn thương gãy xương :

Nga truật, Điền thất (tán hòa thuốc uống),  Ô dược, Đào nhân đều 6g, Thổ miết giáp, Tam lăng, Uy linh tiên, Xích thược, Cốt toái bổ, Tục đoạn. Hồng hoa, Trạch lan đều 3g, Sinh địa 10g, Qui vĩ 12g. Dùng nước và rượu, mỗi thứ một nửa, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  

Trị trẻ nhỏ rối loạn tiêu hóa, đau bụng:

Nga truật, Tam lăng đều 5g, Trần bì 10g, Chế hương phụ 6g, La bặc tử 5g, Sa nhân 3g, Thanh bì, chỉ thực đều 6g, Hồ hoàng liên, Lô hội đều 3g, Hồ tiêu 5g, tất cả tán bột, trộn với hồ làm hoàn, mỗi lần uống 3-6g ngày 2 lần, uống với rượu gạo ấm, kiêng các thức ăn sống lạnh (Nga Truật Hoàn - (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).  

Trị bênh mạch vành:

Dùng thuốc chích Nga Lăng Phức Phương (mỗi ống 2ml tương đương với Nga truật, Tam lăng, An diệp, Hương phụ, Giáng hương đều 2g), chích bắp, mỗi lần 1 ống, ngày 2 lần, một liệu trinh 14 ngày, đa số được đều trị trong 2 liệu trình, thấy tỷ lệ có kết quả là 82,8%, có kết quả điện tâm đồ là 66,7o/o (Báo cáo điều trị 35 ca bệnh mạch vành của Từ Tế Dân, Thông Tin Trung Thảo Dược 1979, 8:27)

Trị viêm da thần kinh :

Dùng Phức phương Nga truật (Tam lăng, Nga truật) chế thành thuốc chích, chích bắp hoặc chích huyệt Khúc trì, Huyết hải. Trị 48 ca, khỏi 21 ca, cơ bản khỏi 9 ca, tiến bộ 9 ca, không kết quả 9 ca. Tỷ lệ khỏi: 62%, tỉ lệ có kết quả 81,25% (Bản Thông Tin Nghiên Cứu Phòng Trị Bệnh Ngoài Da 1979, 3:152).

Trị bệnh tâm thần (chứng huyết ứ bao gồm các bệnh tinh thần phân liệt, lão hóa sớm, bệnh tâm thắn thể cuồng) :

Dùng Nga truật, Xích thược, Đại hoàng theo tỉ lệ 10:3:3, chế thành viên (mỗi viên có 8g thuốc sống), mỗi lần uống 6 - 8 viên, ngày 3 lần, 30 ngày là một liệu trình. Đã trị 71 ca, tỉ lệ có kết quả 5~1% (Tạp Chí Kết Hợp Trung Tây Y 1988, 10:638).

Tham khảo:

. Bồng nga truật cảm khí của cuối hè đầu thu được mùi vị của hành Hỏa và Kim, cho nên đau về khí huyết ngưng trệ dùng về nó đều khỏi, là thuốc tiêu hóa tích trệ, mạnh những người thuộc hư mà uống nó thì tích chưa hết mà nguyên khí ngày càng suy, dùng kèm với Sâm. Truật mới không tổn hại, chỉ có người nguyên khí mạnh khỏe, có bệnh thì bệnh phải chịu lấy (Dược Phẩm Vậng Yếu).

. Tác dụng phá huyết, hoạt huyết của Nga truật mạnh như Tam lăng nên thường dùng trong nhũng trường hợp khí trệ huyết ứ lâu ngày nặng. Nếu huyết ứ làm tắt mạch Xung Nhâm gây tắt kinh, đau bụng, nên phối hợp với Tam lăng, Xuyên khung, Ngưu tất. Đối với chứùng trưng tích lâu ngày, nên phối hợp với các thuốc nhuyễn kiên, tiêu trưng như Miết giáp, Đơn sâm, Tam lăng. Trường hợp thực tích, khí trệ, đau bụng nên kết hợp vời Tam lăng, Mộc hương, Chỉ thực. Trường hợp Tỳ hư, tích trệ, bụng đau, nên kết hợp với thuốc kiện tỳ như Đảng sâm, Bạch truật (Trung Dược Học Giảng Nghĩa).

. Tam lăng, Nga truật đều là thuốc phá huyết hành khí, là hai vị thuốc thường dùng chung, ngưng Tam lăng có sức phá ứ mạnh hơn, hai vị này đối với người suy nhước đều không nên dùng lâu hoặc nhiều (Lâm Sàng Thường Dụøng Trung Dược Thủ Sách).

Tán bột (sau khi đã tẩm sao) để làm hoàn tán.

Bào chế như Hương phụ tứ chế thì rất tốt.

Bảo quản: để nơi khô ráo, đậy kín, năng phơi sấy.

Kiêng kỵ: cơ thể hư yếu mà có tích thì không nên dùng, muốn dùng phải phối hợp với Sâm, Truật.

Phòng khám Đông y Nguyễn Hữu Toàn

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích. Hãy chia sẻ để tạo phúc cho mình và giúp đỡ mọi người.

Tư vấn sức khỏe trực tuyến Tư vấn sức khỏe trực tuyến Chia sẻ facebook Tư vấn sức khỏe trực tuyến


Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!
Thông tin trên Website :www.thaythuoccuaban.com chỉ có tính chất tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chữa bệnh.
Lương y Nguyễn Hữu Toàn . Địa chỉ: Số 482 lô 22C Đường Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng. GP : 197GCN HNY SYTH
Tư vấn sức khỏe trực tuyến  Tư vấn sức khỏe trực tuyến   Đầu trang