Banner
HOME MENU  Tìm kiếm

Cam

 

Tên khác

Cam hay Cam chanh

Tên khoa học: Citrus sinensis (L.) Osheck (C. aurantium L. var. dulcis L.), thuộc họ Cam - Rutaceae.

 Cây Cam

( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ....)

Mô tả:

Cây gỗ nhỏ có dáng khoẻ, đều; thân không gai hay có ít gai. Lá mọc so le, phiến lá dài, màu xanh đậm, hình trái xoan, dài 5-10cm, rộng 2,5-5cm, mép có răng thưa; cuống hơi có cánh, rộng 4-10mm. Chùm hoa ngắn ở nách lá, đơn độc hay nhóm 2-6 hoa thành chùm; đài hoa hình chén, không lông; cánh hoa trắng dài 1,5-2cm; nhị 20-30 cái dính nhau thành 4-5 bó. Quả gần hình cầu, đường kính 5--8cm, màu vàng da cam tới đỏ da cam; vỏ quả dày 3-5mm, khó bóc; cơm quả quanh hạt vàng, vị ngọt; hạt có màu trắng. Cam

Cây ra hoa quanh năm, thường có hoa vào tháng 1-2, có quả vào tháng 10-12.

Bộ phận dùng:

Hình ảnh vỏ cam

Quả, kể cả dịch quả và vỏ quả; hoa - Fructus et Flos Citri Sinensis. Lá và vỏ cây cũng được dùng. Ở Trung Quốc, người ta dùng quả chưa chín của Cam chanh cũng như quả xanh của cây Toan chanh - Citrus aurantium L., làm thuốc gọi là Chỉ thực - Fructus Aurantii Immaturus.

Nơi sống và thu hái:

Cây của Á châu nhiệt đới được trồng rộng rãi khắp nước ta để lấy quả ăn. Người ta đã tạo được những giống lai giữa cam và quýt, cam và bưởi. Các tác giả Bách khoa Nông nghiệp cho biết ở nước ta có những giống cam nổi tiếng.

- Cam Xã Đoài: Cây tương đối cao, ít cành lá (cành quả). Quả ngon, thơm, trồng ở Xã Đoài, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An rồi lan ra cả vùng đất nhẹ huyện Nghi Lộc.

- Cam ở miền Nam: Vỏ nhiều khi vẫn xanh, cây rải vụ (vụ thu hoạch kéo dài).

- Cam Động đình: Cây to, lá xanh nhạt, tai lá to; quả to, màu đỏ tía, nhiều nước, hơi chua, dễ trồng, có sức chống chịu, là giống lai giữa Cam và Bưởi. Hiện trồng ở tỉnh Hải Hưng.

- Cam đường: Gần với Quýt hơn Cam. Cây cao 2-3m, tán rộng, nhiều cành lá, lá không có tai. Quả trung bình 100g, vỏ mỏng, màu vàng đỏ hay đỏ sẫm, dễ bóc, múi dễ chia. Có ba loại hình chính là Cam giấy với các giống Cam Canh (Hà Nội), Cam Đồng dụ (Hải Phòng), Cam Ngọc cục và Cam Hành Thiện (Nam Hà); Cam Bù, Cam Chua, dễ trồng sai quả, vị hơi chua, phổ biến ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), Tuyên Hoá (Quảng Bình); Cam voi, quả to 300-350g lai giữa Cam bù và Bưởi, trồng ở Tuyên hoá (Quảng Bình).

- Cam sành: Cây cao 2-3m, phân cành thấp, lá có tai nhỏ, quả sần sùi, vỏ dày, khi chín màu vàng hay đỏ sẫm, vỏ dễ bóc, ruột đỏ, vị ngọt, hơi chua. Giống phổ biến là Cam Bố Hạ, trồng ở vùng bãi phù sa Hà Bắc trên đất thoát nước; quả dẹt, nặng trung bình 200-250g, màu vàng đỏ đẹp, chín vào tháng 11-12-1 năm sau, dịp Tết Nguyên đán, Cam sành có tên là Citrus nobilis Lour. với quả có vỏ sần sùi mịn, khi chín màu vàng đỏ, tuy dày nhưng dễ bóc, hột có màu nâu lục. Quýt trước đây vẫn được xem là một thứ trong Cam sành.

Còn những loại Cam gần với Chanh có vỏ mỏng hơn nhưng khó bóc, khi chín màu vàng. Ở nước ta có Cam gần như quanh năm nên có thể dùng quả tươi. Người ta cũng thường thu hái quả non rụng ở gốc cây làm chỉ thực.

Thành phần hóa học:

Hình ảnh vị thuốc trành hạt, hạt cam

Trong Cam tươi có nước 87,5%, protid 0,9%, glucid 8,4%, acid hữu cơ 1,3%, cellulose 1,6%, calcium 34mg%, sắt 23mg%, caroten 0,4mg%, vitamin C 40mg%. Quả là nguồn vitamin C, có thể tới 150mg trong 100g dịch, hoặc 200-300 mg trong 100g vỏ khô.

Trong lá và vỏ quả xanh có l-stachydrin, hesperdin, aurantin, acid aurantinic, tinh dầu Cam rụng (petitgrain). Hoa chứa tinh dầu Cam (neroli) có limonen, linalol, geraniol. Vỏ quả chứa tinh dầu mà thành phần chính là d-limonen (90%), decyclicaldehyd tạo nên mùi thơm, các alcol như linalool, dl-terpineol, alcol nonylic, còn có acid butyric, authranilat metyl và este caprylic.

 Vị thuốc Cam

( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng .... )

Tính vị, công dụng:

Quả Cam có vị ngọt chua, tính mát; có tác dụng giải khát, sinh tâm dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt và lợi tiểu.

Vỏ quả Cam có vị cay, mùi thơm, tính ẩm, có tác dụng tiêu đờm, thông khí trệ, giúp tiêu hoá.

Vỏ cây Cam vị ngọt, hơi the, tính mát; có tác dụng hạ khí đầy, điều hoà tỳ vị. Ở Ấn Độ, quả được xem như có tác dụng khử lọc, và vỏ có tác dụng trung tiện và bổ.

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Cam

Sau khi đẻ bị phù

Dùng 20g vỏ cây Cam sắc uống hoặc phối hợp với vỏ Bưởi và vỏ Chân chim, mỗi vị 12g, cùng sắc.

Tai chảy mủ

Dùng 7 lá Cam non giã với ít nước, vắt lấy nước cốt nhỏ vào tai, để một chốc rồi quấn bông chùi sạch, làm mỗi ngày vài lần sẽ khỏi (Lê Trần Đức).

Tăng cường thể lực

Sau khi tập luyện thể thao, uống một cố nước cam bỏ thêm chút muối là cách hữu hiệu để bạn lấy lại thể lực nhanh chóng. Bởi lượng đường và lượng nước có trong cam sẽ nhanh chóng được cơ thể hấp thụ, có tác dụng giải khát và bồi bổ thể lực. Ngay sau khi ép lấy nước hoặc đã gọt vỏ nên uống hoặc ăn ngay, không nên để quá 30 phút để tránh lượng vitamin C sẽ bị bay mất khi phản ứng với oxy ngoài môi trường.

Tăng cường miễn dịch

Ăn cam sẽ có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe, nhanh lành vết thương. Đặc biệt là bổ sung chất xơ, có lợi cho tiêu hóa. Đặc biệt, đối với những người hút thuốc nên ăn nhiều cam, những bệnh nhân mắc viêm ruột, viêm túi mật nên thận trọng khi ăn cam.

Ngăn ngừa xơ cứng động mạch

Nếu thường xuyên ăn cam, tiêu thụ vitamin C sẽ giúp phát triển chậm bệnh xơ cứng động mạch. Phòng chống ung thư Trong quả cam có chứa hợp chất liminoid giúp cơ thể chống lại ung thư miệng, da, phổi, núi đôi, dạ dày và ruột kết. Ngoài ra, các vitamin C cao có trong cam cũng như là một chất chống oxy hóa tốt để bảo vệ các tế bào cơ thể.

Giảm cholesterol

Quả cam là loại quả phổ biến nhất và là nguồn tuyệt vời cung cấp vitamin C, đồng thời cam cũng chứa các hợp chất khác có thể giúp giảm sản xuất cholesterol ở gan. Cam có đầy đủ các chất được gọi là phytosterols (sterol thực vật), một loại chất béo được tìm thấy trong các loại hạt, trái cây và rau quả. Những sterol này chặn cholesterol không cho các tế bào trong ruột hấp thụ. 

Trị chứng táo bón

Ăn hoặc uống nước cam vào bữa sáng liên tục trong vài ngày sẽ giúp bạn khắc phục chứng táo bón rất hiệu quả. Đồng thời, khi uống nước cam vào buổi sáng cũng sẽ mang lại cho bạn tinh thần phấn chấn để bắt đầu một ngày mới. Buổi sáng cũng là thời điểm cơ thể hấp thu tốt nhất các canxi và các vitamin trong quả cam. Không nên uống nước cam vào buổi tối vì sẽ gây ra chứng khó ngủ.

Giữ tinh binh khỏe mạnh

Một ngày một trái cam là đủ cho một nam giới có thể để giữ tinh trùng của mình khỏe mạnh. Ngoài ra, vitamin C, một chất chống oxy hóa trong trái cam giúp bảo vệ tinh trùng khỏi sự thiệt hại do yếu tố di truyền hoặc dị tật bẩm sinh gây nên.

Trị viêm phế quản và hen suyễn

Pha nước cam nóng cùng với mật ong và muối để uống, rất có lợi đối với bệnh nhân viêm phế quản và hen suyễn.

Trị lão hoá da

Nước ép trái cam có thể sử dụng như một loại nước tẩy trang, làm sạch da. Vỏ quả cam được dùng tẩy da chết, tinh dầu trong vỏ cam sẽ làm da thêm mềm mại, lấy lại độ căng bóng do da hấp thụ được lượng tinh dầu trong vỏ cam, từ đó nâng cao sức đề kháng cho làn da.

 Chữa táo bón:

Vỏ cam 250 g, cho 2 bát nước vào nấu nhừ, ăn dần trong ngày.

Chữa ho có đờm, giã rượu:

Vỏ cam 250 g (thái nhỏ, sao vàng), muối nửa thìa cà phê, cho vào 3 bát nước, sắc còn 1 chén, uống 2 lần trong ngày.

Chữa chứng phù thũng ở sản phụ:

Vỏ cam phơi khô, tán bột, mỗi lần uống một thìa cà phê bột này với 30 ml rượu nếp, uống mỗi ngày 3 lần trong 3-5 ngày.

Chữa bí tiểu hoặc khó sinh:

Trái cam non phơi khô, đốt cháy sơ, tán bột. Mỗi lần uống 1 thìa cà phê bột nói trên với 30 ml rượu nếp, ngày 2 lần, liên tục trong 3 ngày.

Chữa đầy hơi, khó tiêu:

Vỏ cam 250 g thái nhỏ, lách lợn 1 cái để nguyên, cho vào 3 bát nước, đun nhỏ lửa cho đến khi còn một bát, dùng cả nước lẫn cái.

Hỗ trợ trong việc chữa sốt xuất huyết:

Nước ép quả cam, uống mỗi ngày 3 lần mỗi lần 1 quả 250 g.

Chữa chứng ăn không ngon miệng:

Vỏ cam 250 g, gừng già 50 g, tất cả phơi khô, tán bột, trộn đều và uống ngày 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần 1 thìa cà phê, liên tục trong 3-5 ngày.

Tham khảo 

Những sai lầm cần tránh khi uống nước cam

Uống nước cam khi đang dùng thuốc kháng sinh

Nước cam chứa nhiều axit nên có thể làm hỏng cấu trúc hóa học của thuốc kháng sinh, từ đó giảm Ứng dụng lâm sàng của thuốc.

Ngoài ra, trong cam còn có chất tương tự narigin, gây cản trở quá trình hoạt hóa của các loại men vận chuyển thuốc. Do đó, thuốc khó được cơ thể hấp thu đầy đủ, bệnh thêm khó chữa. Tốt nhất nên uống nước cam sau khi đã điều trị kháng sinh xong để bồi bổ và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

 Uống nước cam khi bị viêm loét dạ dày

Nước cam tốt cho sức khỏe với điều kiện dùng đúng lượng và đối tượng. Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy không nên uống nước cam. Bởi trong nước cam chứa axit, các chất hữu cơ làm tăng axit trong dạ dày, gây chứng ợ nóng và khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng.

Uống nước cam ngay sau khi ăn no

Khi vừa ăn no, dạ dày phải hoạt động hết công suất để tiêu hóa thức ăn. Uống một ly nước cam trong thời điểm này khiến chức năng hoạt động của dạ dày thêm áp lực, gây tức bụng, khó chịu.

Uống nước cam vào buổi tối

Nước cam có tác dụng lợi tiểu. Do đó, uống nhiều loại trái cây này vào buổi tối sẽ gây tiểu đêm nhiều lần và mất ngủ.

Uống nước cam ngay trước và sau khi uống sữa

Protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C trong cam gây ra hiện tượng chướng, đau bụng, tiêu chảy. Do đó, không nên ăn hoặc uống nước cam ngay trước và sau khi uống sữa.

Lưu ý:

-Người có cơ thể hàn (sợ nước sợ lạnh, rêu lưỡi trắng), thận khí yếu, yếu sinh lý không nên ăn cam nhiều.

- Không dùng cam chua lâu ngày vì không thích hợp cho dạ dày và ruột.

- Vì cam có tỷ lệ đường thấp nên bệnh nhân tiểu đường thỉnh thoảng vẫn có thể dùng được.

- Nên dùng cam vào buổi sáng và không nên uống vào lúc bụng đói.

 Tag: cay Cam, vi thuoc Cam, cong dung cua Cam, Hinh anh cay Cam, Tac dung cua Cam, Thuoc nam

Theo Phòng khám Đông y Nguyễn Hữu Toàn

*************************

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích. Hãy chia sẻ để tạo phúc cho mình và giúp đỡ mọi người.

Tư vấn sức khỏe trực tuyến Tư vấn sức khỏe trực tuyến Chia sẻ facebook Tư vấn sức khỏe trực tuyến


Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!
Thông tin trên Website :www.thaythuoccuaban.com chỉ có tính chất tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chữa bệnh.
Lương y Nguyễn Hữu Toàn . Địa chỉ: Số 482 lô 22C Đường Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng. GP : 197GCN HNY SYTH
Tư vấn sức khỏe trực tuyến  Tư vấn sức khỏe trực tuyến   Đầu trang