Banner
HOME MENU  Tìm kiếm

Bưởi

Tổng hợp kiến thức về vị thuốc Bưởi
1. Các tên gọi của Bưởi
2. Bưởi (hình ảnh, thu hái, chế biến, bộ phận dùng làm thuốc ...)
3. Thành phần hoá học, tác dụng dược lý
4. Tác dụng của Bưởi (Công dụng, Tính vị và liều dùng)
5. Vị thuốc Bưởi chữa bệnh gì? - Bài thuốc
Chữa phù thũng:
Chữa sản giật phù thũng, cùng các trường hợp phù thũng:
Phụ nữ có thai hay nôn ọe
Ho nhiều đờm:
Ăn không tiêu::
Họng ngứa, ho, đờm loãng máu trắng
Chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, đau bụng:
Người già ho lâu ngày:
Ho khan::
Chữa tức ngực đau sườn, giải uất trong gan
Cảm cúm, nhức đầu, sốt cao, sổ mũi, ngạt mũi, không ra mồ hôi:
Chữa viêm loét dạ dày hành tá tràng:
Chữa chướng bụng buồn nôn: :
6.Nơi mua bán vị thuốc Bưởi

 

Tên khác

Tên thường gọi: Bưởi, bòng

Tên khoa học:Citrus grandis (L.) Osbeek (C. maxima (Burm.) Merr., C. decumana Merr.),

thuộc họ Cam - Rutaceae.

  Cây Bưởi

( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ....)

Mô tả:

Cây to cao 5-10m; chồi non có lông mềm; cành có gai nhỏ dài đến 7cm. Lá rộng hình trái xoan, tròn ở gốc, mép nguyên, có khớp trên cuống lá; cuống lá có cánh rộng. Cụm hoa chùm ở nách lá, gồm 7-10 hoa to, màu trắng, rất thơm. Quả to, hình cầu và cầu phẳng, đường kính 15-30cm, màu vàng hay hồng tuỳ thứ.

Cây ra hoa, kết quả hầu như quanh năm, chủ yếu mùa hoa từ tháng 3 đến tháng 5 và mùa quả từ tháng 8 đến tháng 11.

Bộ phận dùng:

Vỏ quả - Exocarpium Citri Grandis. Lá và dịch quả cũng được sử dụng.

Nơi sống và thu hái:

Loài cây của vùng Ấn Độ, Malaixia, được trồng từ lâu đời ở nhiều nước châu Á. Ở nước ta, Bưởi cũng được trồng nhiều khắp nơi. Có nhiều giống trồng có quả chua, ngọt khác nhau. Thường nói đến nhiều là Bưởi Đoan Hùng (Vĩnh Phú) quả tròn, ngọt, nhiều nước; Bưởi Vinh, quả to có núm, ngọt, ít nước, trồng nhiều ở Hương Sơn (Hà Tĩnh); Bưởi Phúc Trạch quả to, ngọt, nhiều nước, trồng nhiều ở Hương Khê (Hà Tĩnh); Bưởi Thanh Trà (Huế) quả nhỏ nhiều nước, ngọt và thơm; loại Thanh Trà hồng ngon nhất; Bưởi Biên Hoà (Đồng Nai) quả to, ngọt; nhiều nước, trồng ven sông Đồng Nai; Bưởi đào, ruột và múi màu đỏ nhạt, thường rất chua; Bưởi gấc, quả đỏ, chua, trồng ở ngoại thành Nam Định (Nam Hà) dùng để bày mâm ngũ quả ngày Tết. Bưởi được trồng bằng hạt; nhưng thường người ta gieo hạt để làm gốc ghép. Các giống quý trồng bằng cành chiết hay cây ghép. Người ta thu hái những quả chín vào mùa thu-đông, đem phơi trong râm rồi gác bếp; khi dùng rửa qua cho sạch, gọt lấy lớp vỏ the ở ngoài. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi trong râm. Dịch quả được ép từ ruột quả chín.

Thành phần hoá học:

Vỏ quả ngoài rất giàu chất narin-gosid, do đó có vị đắng, trong vỏ có tinh dầu, tỷ lệ 0,80-0,84%; quả chứa 0,5% tinh dầu; trong lá cũng có tinh dầu. Tinh dầu vỏ bưởi chứa d-limonen, a- pinen, linalol, geraniol, citral; còn có các alcol, pectin, acid citric. Dịch quả chín có nhiều chất bổ dưỡng: nước 89%, glucid 9%, protid 0,6%, lipid 0,1% và các khoáng Ca 20mg%, P 20mg%, K 190mg%, Mg 12mg%, S 7mg% và Na, Cl, Fe, Cu, Mn... Có các vitamin (tính theo mg%) C 40, B 0,07, B2 0,05 PP 0,3 và tiền sinh tố A 0,1. 100 mg dịch quả cung cấp cho cơ thể 43 calo.

 Vị thuốc Bưởi

( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng .... )

Tính vị, công dụng:

Trong cuốn Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã viết về Bưởi; Vỏ quả Bưởi gọi là Cam phao, vị đắng cay, tính không độc, thông lợi, trừ đờm táo thấp, hoà huyết, giảm đau; trị tràng phong, tiêu phù thũng. Bỏ cùi trắng, lấy lớp vỏ vàng sau dùng. Ngày nay, ta dùng vỏ quả, xem như có vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng trừ phong, hoá đàm, tiêu báng (lách to), tán khí thũng (phù thũng thuộc khí). Ở Trung Quốc, người ta cho là nó làm để tiêu, giúp sự tiêu hoá, làm long đờm, chống ho. Lá có vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng, tiêu viêm. Cụ Tuệ Tĩnh đã cho biết quả bưởi vị chua, tính lạnh, hay làm cho thư thái, trị được chứng có thai nôn nghén, nhác ăn, đau bụng, hay người bị tích trệ ăn không tiêu. Nay ta dùng dịch quả có tính chất khai vị và bổ, lợi tiêu hoá, khử lọc, dẫn lưu mật và thận, chống xuất huyết, làm mát.

Chỉ định và phối hợp:

Vỏ quả dùng trị đờm kết đọng ở cổ họng và cuống phổi, đau bụng do lách to; còn dùng trị đau dạ dày, đầy bụng, ăn uống không tiêu, ho nhiều, hen, đau thoát vị. Lá dùng chữa sốt, ho, Nhức đầu, hắt hơi, kém ăn; còn dùng chữa viêm vú, viêm amygdal. Ở Ấn Độ, người ta dùng chữa bệnh động kinh, múa giật và ho có co giật. Dịch quả dùng trong trường hợp chán ăn, mệt mỏi khó tiêu, ngộ độc, da huyết, tạng khớp, ít nước tiểu, suy mật, giòn mao mạch, chứng sốt và bệnh phổi. Vỏ hạt có pectin dùng làm thuốc cầm máu. Hoa bưởi được dùng để cất tinh dầu thơm, dùng trong công nghiệp sản xuất bánh kẹo.

   Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Bưởi

Chữa phù thũng:

Vỏ bưởi đào, Mộc thông, Bồ hóng mỗi vị 20-30g, Diêm tiêu 12g, Cỏ bấc 8g, sắc uống mỗi ngày 2 lần vào lúc đói và ăn một khẩu mía trước và sau khi uống thuốc. Kiêng muối và chất mặn.

Chữa sản giật phù thũng, cùng các trường hợp phù thũng:

Vỏ Bưởi khô và ích mẫu bằng nhau tán nhỏ uống mỗi lần 8g với rượu vào lúc đói. Hoặc dùng mỗi vị 20-30g sắc uống.

Phụ nữ có thai hay nôn ọe:

Bưởi 5-8 quả, bỏ vỏ hạt, vắt lấy đường đun nhỏ lửa cho sôi, thêm vào 500g mật ong, 100g đường kính, 10ml nước gừng tươi, đun thành dạng sền sệt rồi cho vào lọ dùng dần. Mỗi lần một thìa canh pha với nước sôi, ngày uống 2 lần.

Ho nhiều đờm:

Múi bưởi bỏ hạt, cắt nhỏ cho vào bình miệng rộng, đổ rượu ngập rồi đun cho nhừ, trộn thêm mật ong, thỉnh thoảng xúc một thìa ngậm trong miệng.

Ăn không tiêu:

Vỏ bưởi rửa sạch, gọt vỏ lớp ngoài cùng rồi cắt thành sợi, đổ đường trắng vào ngâm trong một tuần, mỗi lần uống 15g, ngày 2-3 lần.

Họng ngứa, ho, đờm loãng máu trắng:

Bưởi đào 10g, trộn với đường và nước, ép lấy nước, thay nước chè.

Chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, đau bụng:

Vỏ bưởi khô sao vàng thơm 12g, vỏ quýt sao thơm 12g, gừng tươi 3 lát. Tất cả sắc với 300ml nước lấy 100ml, chia làm 2 lần uống nóng trong ngày.

Người già ho lâu ngày:

Cùi bưởi và đường phèn đun chín, mỗi ngày uống 50-100g.

Ho khan:

Vỏ bưởi nghiền thành bột, đun nóng với ngư tinh (bán ở các hiệu thuốc bắc), ngày uống 4 lần, mỗi lần 3-6g.

Chữa tức ngực đau sườn, giải uất trong gan:

Dùng vỏ một quả bưởi còn nguyên, đem nướng cháy rồi cạo vỏ, cho vào nước sạch ngâm một ngày cho hết đắng. Sau đó cắt thành miếng rồi cho vào đun với nước, khi gần chín cho 2 củ hành vào, thêm muối, dầu ăn, dùng ăn kèm trong bữa ăn.

Cảm cúm, nhức đầu, sốt cao, sổ mũi, ngạt mũi, không ra mồ hôi:

Lá bưởi 50g, lá sả 20g, lá hương nhu 20g, lá tre 20g. Tất cả cho vào nồi, bịt kín miệng đun sôi 5 phút rồi đem xông.

Chữa viêm loét dạ dày hành tá tràng:

Hạt bưởi để cả vỏ cứng 100g, rửa sạch cho vào cốc thủy tinh to, rót 200ml nước sôi, đậy kín, ủ nóng trong 2-3 giờ. Hạt bưởi sẽ tiết ra chất nhầy làm cho cốc nước đặc, sánh như cháo, gạn bỏ hạt uống nước sau bữa ăn 2 tiếng. Uống liên tục hằng ngày khi hết đau thì thôi.

Chữa chướng bụng buồn nôn:

Bưởi 1 quả (bỏ hạt, ép lấy nước), trần bì 9g, gừng tươi 6g, thêm đường đỏ nấu lên rồi uống. Bưởi chữa đái đường, béo phì và tim mạch Bưởi chứa nhiều Vitamin, nhất là vitamin C. Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện trong nước bưởi có chứa insulinl; có thể làm hạ đường huyết. Mỗi ngày ăn một quả bưởi chua sẽ có tác dụng rất tốt cho những người mắc bệnh đái đường, béo phì và người mắc bệnh tim mạch.

Thaythuoccuaban.com Tổng hợp

*************************

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích. Hãy chia sẻ để tạo phúc cho mình và giúp đỡ mọi người.

Tư vấn sức khỏe trực tuyến Tư vấn sức khỏe trực tuyến Chia sẻ facebook Tư vấn sức khỏe trực tuyến


Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!
Thông tin trên Website :www.thaythuoccuaban.com chỉ có tính chất tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chữa bệnh.
Lương y Nguyễn Hữu Toàn . Địa chỉ: Số 482 lô 22C Đường Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng. GP : 197GCN HNY SYTH
Tư vấn sức khỏe trực tuyến  Tư vấn sức khỏe trực tuyến   Đầu trang