Trong dân gian có câu "thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng". Trên thực tế, những chiếc răng đóng một vai trò không thể thiếu trong cuộc sống. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau răng. Bài viết sau xin giới thiệu những vị thuốc cổ truyền chữa đau răng.
Đau răng và bệnh về răng rất hay gặp ở mọi lứa tuổi. Đối với trẻ nhỏ, khi bị sưng lợi răng, gây đỏ lợi, đau răng, thậm chí không thể ăn được: lấy xác rắn (xà thoái) đốt thành than, cho vào mỡ lợn, trộn đều rồi xát vào lợi. Trường hợp chân răng bị sưng, thối lở (cam tẩu mã) dùng bột thanh đại, hay còn gọi là bột chàm (bột chàm nhuộm vải), bôi xát vào chân răng, sau 10-20 phút, lại súc miệng sạch bằng nước muối loãng, ngày 5-10 lần. Đối với người lớn, các trường hợp đau răng ở người lớn rất phổ biến, đôi khi lại rất dữ dội, lợi sưng đau, hoặc có mủ (bọng răng), hoặc răng bị lung lay, có khi nhiều cái cùng một lúc, không thể ăn được và kèm theo là phát sốt và sưng đau cả ở phía ngoài mặt... ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc. Khi răng, lợi bị sưng, răng đau nhức nhiều, có thể dùng bột thanh đại cùng với một số vị thuốc khác: thanh đại 40g, phèn chua 20g, hùng hoàng, mai hoa, băng phiến, mỗi thứ 1g. Mỗi vị đều nghiền thành bột mịn, trộn đều, đóng vào lọ, nút kín, để nơi khô ráo. Dùng bột này chấm, xát vào nơi răng lợi bị sưng đau rồi ngậm 5-10 phút. Súc miệng sạch. Ngày làm 5-10 lần.
Một số vị thuốc nam để cắt các cơn đau răng:Dùng búp lá non của cây bàng, nhai ngậm, mỗi lần 5-10 phút, có thể thêm chút muốn ăn, cùng ngậm 5-10 phút. Sau mỗi lần ngậm, súc miệng sạch. Ngày làm 3-5 lần. Ngoài ra có thể dùng dưới dạng nước sắc của một số vị thuốc sau đây để ngậm khi răng đau, nhức.
- Lá trầu không:Khoảng 10 lá tươi, cắt nhỏ, thêm một bát nước sạch, sắc nhanh (20 phút) lấy nước ngậm mỗi khi đau răng, mỗi lần ngậm 5-10 phút. Ngày 5-10 lần. Với cách này có thể dùng để chữa bệnh nha chu viêm.
- Vỏ thân cây ruối:Lấy vỏ tươi cây ruối (một cây dùng làm cảnh hoặc làm bờ dậu) đem cắt thành miếng nhỏ, thêm nước, sắc đặc, lấy nước sắc để ngậm khi răng bị đau nhức. Ngày ngậm nhiều lần, mỗi lần ngậm 10-20 phút. Sau mỗi lần lại súc miệng sạch.
- Lá lốt:Dùng toàn bộ cây, sắc đặc, lấy nước, ngậm khi răng, lợi đau.
- Vỏ thân cây sao đen (Hopea odorata Roxb.), họ dầu (Dipterocarpaceae): lấy vỏ thân cây sao đen, cạo bỏ lớp bần thô bên ngoài, rửa sạch, thái mỏng, sắc đặc, ngậm khi răng đau. Có thể phối hợp hai vị lá lốt và sao đen, đồng lượng, rồi đem sắc đặc, ngậm khi răng đau nhức. Qua thực tế thấy rằng, khi phối hợp giữa hai vị thuốc này, tác dụng giảm đau nhanh hơn, tốt hơn.
Một số vị thuốc sau đây có thể ngâm với rượu để chữa đau răng: Rượu có nồng độ ethanol khoảng 30-35 độ. Ngâm 10-15 ngày là có thể dùng để ngậm, còn nếu dùng ethanol dược dụng có nồng độ ethanol cao hơn thì dùng chiết, chấm vào chỗ răng bị sưng đau.
- Cúc áo (Spilanthes acmella L.), họ cúc (Asteracea), một cây thuốc mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta. Lấy các hoa tươi của cây cúc áo, đem ngâm rượu với tỷ lệ 50g hoa ngâm với 300ml rượu trong 10-15 ngày, có thể lấy rượu này để ngậm, mỗi lần ngậm 10-15 phút. Ngày làm 5-10 lần. Sau đó súc miệng sạch.
- Tế tân, thạch cao đều 10g. Đem rễ tế tân rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ hoặc tán thành bột thô. Thạch cao tán thành bột thô. Lấy hai thứ bột này ngâm với 100ml rượu trong 10-15 ngày. Lấy dịch chiết ngậm khi đau răng. Cách làm tương tự như vị cúc áo.
- Xuyên tiêu:Có thể dùng quả gần chín hoặc chín khô, cũng có thể dùng rễ xuyên tiêu ngâm với ethanol dược dụng khoảng 60-70 độ với tỷ lệ, 1:5 (1 dược liệu, 5 ethanol). Nếu dùng dễ xuyên tiêu thì cần rửa sạch, phơi khô, tán bột thô. Sau khi ngâm 1-2 tháng, có thể chiết lấy dịch thuốc, dùng tăm bông tẩm thuốc rồi chấm vào chỗ răng, lợi bị sưng đau.
- Đinh hương:Dùng nụ hoa khô của cây đinh hương, đem tán dập rồi tiến hành ngâm rượu, chiết lấy dịch thuốc, làm tương tự như vị xuyên tiêu.
(Theo SKĐS)