Bình thường trên da có 2 tuyến mồ hôi: tuyến mồ hôi thông thường (còn gọi là tuyến mồ hôi nước) và tuyến mồ hôi nhày.
Tuyến mồ hôi thường có chức năng tiết mồ hôi để điều hòa thân nhiệt, giữ độ ẩm cho da, làm da mịn màng, mềm mại và tuyến mồ hôi nhầy còn tiết ra một chất lỏng như dầu có thể có màu (do thành phần chất tiết có cholesterol và sắt) hoặc không.
Thông thường chất tiết ban đầu không có mùi nhưng do sự phân huỷ của các chất sừng (keratin) kèm một số acid amin, các chất hữu cơ với tác dụng của vi khuẩn khi lên tới mặt da tạo nên mùi đặc biệt, đôi khi mùi hôi có mùi giống mùi tỏi, mùi thuốc...
Người hôi nách có sự cấu tạo đặc biệt nào đó của thành phần mồ hôi và chất bã do quá nhiều các hỗn hợp ammoniac và các acid béo. Thêm vào đó sự phân huỷ của các chất sừng đã bị ngấm mồ hôi bởi vi khuẩn hoặc nấm có trong tuyến mồ hôi hoặc tuyến bã tạo nên tính chất "nặng mùi" của người hôi nách.
Hôi nách không nguy hiểm nhưng điều trị lại rất khó khăn. Nếu hôi nách nhẹ chỉ cần thường xuyên giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là hai hố nách. Lau rửa hai hố nách bằng xà phòng hoặc nước chanh pha loãng 1-3%. Khi về già các tuyến mồ hôi lớn sẽ co hẹp hôi nách bớt dần rồi có thể tự khỏi.
Có thể dùng xoa vào nách một trong các bột sau:
- Bột acid salicilic hoặc bột carbonat calci hoặc hỗn hợp bột gồmacid salicylic 1g, acid boric 3g, tanin 3g, oxydkẽm 3g và bột talc(tan) 30g.
- Có thể dùng phèn chua chưng lên trở thành dạng cục bột. Dùng tay bóp mịn hoặc nghiền thành bột mịn. Rửa sạch nách rồi bôi bột lên nách ngày 1-2 lần.
- Dùng hoạt thạch nghiền thành bột mịn, rửa sạch nách rồi bôi bột đó lên 1-2 lần/ngày. Sau vài ngày sẽ bớt hôi nách.
- Dùng dung dịch formain 2-3% hoặc dung dịch tanin 2-5% bôi lên nách có tác dụng ức chế mồ hôi và trừ mùi hôi khét. Nên hạn chế ăn tỏi.
Ngoài ra, có thể hạn chế sự bài tiết mồ hôi bằng thuốc an thần, điều hoà thần kinh giao cảm bằng chạy điện hoặc chiếu quang tuyến tại chỗ hay phẫu thuật. Tuy nhiên các biện pháp trên phải do các thầy thuốc chuyên khoa thực hiện.
(Theo SKĐS)