Đối phó với táo bón, nói thì dễ nhưng làm không dễ chút nào nếu như mẹ không có nhiều chiêu và thiếu kiên nhẫn. Câu chuyện tập con ngồi bô của nhà tôi cũng cả là một chuyện dài nhiều tập.
Khi Bi được 9 tháng, đã biết ngồi khá vững, tôi liền đi mua một cái bô thật đẹp về với quyết tâm sẽ tập cu cậu ngồi bô đúng giờ.
Thấy chiếc bô, cu cậu vội bò đến sờ mó lung tung và thích thú khám phá. Tôi cũng tranh thủ cơ hội này để giải thích cho cu cậu về công dụng của chiếc bô. Nhưng rồi sau đó, cứ mỗi lần cu cậu có dấu hiệu "mắc”, tôi bế lên ngồi bô thì cậu lại khóc và rồi quên luôn việc ị...
Chừng một vài giờ sau, thấy cu cậu lại bồn chồn, tôi lại tiếp tục cho ngồi bô, nhưng bé lại tiếp tục khóc rồi nhịn. Liên tục như thế, một ngày, hai ngày, cu cậu không ị, cả nhà tôi lại sốt ruột. Đến ngày thứ ba thì cu cậu bón do nhịn quá lâu. Và thế là, chiếc bô bị đem cất kỹ vì mọi người đều nhất trí rằng: “Bi chưa hiểu khái niệm ngồi bô”.
Đến khi Bi tròn tuổi, lúc này cu cậu cũng đã nói được bập bẹ vài tiếng, tin rằng cu cậu đã hiểu chuyện hơn, tôi lại lôi cái bô ra. Lần này tôi có kinh nghiệm hơn trước. Mỗi buổi sáng, sau khi thức dậy, tôi ép cu cậu uống nước, và cho chơi vận động chừng 15 phút thì uống cữ sữa sáng rồi ngồi bô.
Bi vẫn cứ giãy nảy không chịu ngồi. Tôi lại cố thu hút bằng những câu chuyện hay bài hát mà Bi vẫn thích để quên đi cảm giác bị ép buộc. Đến khi con đã chịu ngồi yên, tôi bắt đầu xi. Liên tục như vậy trong một tuần, cứ mỗi sáng tôi đều cho Bi ngồi bô và xi trong khoảng 10 phút. Dù không đạt mục tiêu “chung cuộc” nhưng ít nhất tôi đã tập cho Bi quen với việc ngồi bô và cũng đã giúp cu cậu hiểu được “công dụng của cái bô”...
Cứ thế gần một tháng, việc đi ngoài bằng bô của Bi mới đi vào nề nếp.
Tập cho con được thói quen này, phải nói rằng, nỗi lo táo bón dường như không còn. Nhưng rồi lại phát sinh một nỗi lo mới, đó là thiếu cái bô. Bi nhà tôi quen đến nỗi, nếu như không phải là cái bô đó thì cu cậu nhất định không ngồi. Bởi thế, những khi về quê hay đi đâu chơi chừng trên 3 ngày, là cả nhà tôi lại phải đối phó với chứng táo bón của cu cậu vì lý do lãng xẹt “không có bô - nhịn - bón”.
Dù thế nào, đó cũng chỉ là nỗi lo ngắn ngày, nhưng nếu bạn không khéo xử lý, thì có thể sẽ là chuyện lớn. Nếu bé vì lý do này mà nhịn quá lâu, rồi đau rát, rồi sợ đi ngoài thì có khi, thói quen bạn đã bỏ công sức tập bao lâu coi như vô hiệu. Giải pháp của gia đình tôi là “Bi đi đâu, bô theo đó”. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng khi cu cậu lên 3-4 tuổi sẽ hiểu chuyện hơn và không đến nỗi khó tính như thế.
(Theo SKĐS)
![]() ![]() ![]() ![]() |