Sỏi mật là sự hiện diện của sỏi trong hệ thống đường mật, gặp nhiều ở nữ hơn nam giới và có xu hướng tăng dần theo tuổi. Đây là một trong các bệnh dễ gây nên các biến chứng nguy hiểm, nếu không can thiệp kịp thời sẽ đưa đến tình trạng nguy hiểm. Vì vậy cần tìm hiểu về bệnh sỏi mật để biết cách phòng ngừa.
Dấu hiệu nhận biết
Tùy từng vị trí mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau. Nếu sỏi túi mật thì trong một thời gian dài tiến triển cho đến khi có biểu hiện lâm sàng, triệu chứng chủ yếu là cơn đau quặn gan, đau dữ dội vùng hạ sườn phải, lan ra sau lưng và lên vai phải, đôi khi đau lan sang cả vùng thượng vị làm dễ nhầm tưởng là đau dạ dày. Cơn đau quặn kéo dài trên 15 phút đến 3 - 4 giờ, nếu trên 6 giờ phải nghĩ đến có biến chứng. Nếu có hiện tượng tắc nghẽn thì túi mật ngày càng to dần lên, khi sờ vào có thể thấy túi mật căng phồng, ấn vào bệnh nhân rất đau, nếu không xử trí kịp thời có thể đưa đến viêm túi mật cấp tính bệnh nhân sẽ sốt cao 39 - 40C.
Cần có chế độ ăn cân bằng qua các bữa ăn, ăn nhiều rau xanh và giảm thức ăn có hàm lượng cholesterol cao để phòng sỏi mật.
Nếu sỏi đường mật thì có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, đau thường là do sự di chuyển của sỏi túi mật và sỏi đường mật trong gan. Thông thường có 3 triệu chứng rất điển hình (gọi là tam chứng Charco) tuần tự xuất hiện: Đầu tiên là cơn đau quặn gan với biểu hiện như trên, sau đó xuất hiện sốt nóng và rét run. Cuối cùng là vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, đi tiểu nước tiểu sẫm màu.
Ai dễ mắc sỏi mật ?
Ngoài yếu tố di truyền đóng vai trò khá quan trọng, sỏi mật thường gặp ở nhiều người có yếu tố gia đình thì còn có rất nhiều yếu tố nguy cơ đã được xác định trong việc hình thành nên sỏi. Trước tuổi thanh thiếu niên sỏi mật rất ít gặp, còn sau tuổi 40 tỉ lệ này gia tăng rõ rệt. Những yếu tố nguy cơ khác để hình thành nên sỏi mật bao gồm: Phụ nữ sinh đẻ nhiều, chế độ ăn nhiều chất béo và ít chất sợi, béo phì, sụt cân nhanh, một vài loại thuốc, bệnh đường ruột làm mất muối mật như là bệnh Crohn và cả do yếu tố di truyền.
Bên cạnh đó, những yếu tố nguy cơ của sỏi sắc tố mật là vệ sinh ăn uống kém thường liên quan tới sự gia tăng sắc tố bilirubin trong mật. Điều này được thấy rõ ở những bệnh có sự phá hủy hồng cầu như bệnh hồng cầu hình liềm, sốt rét hoặc trên nền bệnh gan như xơ gan.
Nhiều biến chứng
Sỏi mắc bên trong ống dẫn mật cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, kể cả viêm túi mật cấp, viêm mật hoặc viêm đường dẫn mật. Tất cả đều dẫn đến tình trạng đau đớn và một số triệu chứng khác trong đó có vàng da, sốt cao…Ngoài ra, viêm và nhiễm khuẩn đường mật, túi mật cấp; hoại tử túi mật và thấm mật phúc mạc là biến chứng rất nguy hiểm phải can thiệp ngoại khoa và có thể để lại hậu quả nặng nề. Rò túi mật đường mật vào ống tiêu hóa và ứ nước túi mật. Xơ gan: biến chứng này xảy ra do ứ mật lâu ngày kèm viêm nhiễm làm tổn thương nhu mô gan và thay thế bằng tổ chức xơ.
Về điều trị
Điều trị sỏi mật bao gồm điều trị nguyên nhân là loại bỏ sỏi đồng thời điều trị triệu chứng và biến chứng nếu có. Khi điều trị nội khoa không có kết quả nên chuyển sang điều trị ngoại khoa với các kỹ thuật mới như tán sỏi qua da, lấy sỏi qua nội soi ngược dòng... đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Về phòng bệnh
Để giảm nguy cơ sỏi mật cần có một chế độ ăn cân bằng qua các bữa ăn. Thường xuyên tập thể dục nhất là đối với những người ngồi nhiều như dệt vải, thợ may, nhân viên văn phòng... vì ít hoạt động có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật. Béo phì và thừa cân làm tăng nguy cơ sỏi mật tuy nhiên đối với người béo phì thì cần giảm cân từ từ, nếu giảm cân nhanh chóng có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật.
Đối với người từng có tiền sử mắc bệnh, để phòng sỏi mật tái phát, sau phẫu thuật người bệnh cần điều chỉnh lối sống thật phù hợp. Cần thực hiện một chế độ ăn kích thích ruột vận động để kích thích lưu thông mật, đó là dùng nhiều rau. Rau giúp ruột tăng co bóp đồng thời kích thích mở cơ Oddi để mật xuống ruột. Thế nên rau rất có lợi để dự phòng sỏi mật. Mặt khác, cần điều chỉnh hàm lượng mỡ ăn, giảm thức ăn có nhiều hàm lượng cholesterol như: phủ tạng động vật (óc, tim, gan, lòng, bầu dục...), lòng đỏ trứng gà... để cơ thể không gây ra sự dư thừa tạo sỏi. Không nên ăn quá 50g mỡ mỗi ngày, và riêng cholesterol không nên sử dụng quá 250mg mỗi tuần - tương đương không nên sử dụng quá hai quả trứng một tuần và càng không nên sử dụng liên tiếp trong một ngày.Ăn uống hợp vệ sinh, định kỳ 6 tháng tẩy giun một lần. Tập thể dục liệu pháp, xoa nắn cơ thành bụng vùng túi mật,...
Khi có biểu hiện đau ở vùng dưới bờ sườn bên phải thì cần phải đi khám và xử lý ngay. Bởi đó có thể là một dấu hiệu chỉ điểm tình trạng đường mật bị viêm đau. Viêm đường mật là cơ hội lớn nhất cho ứ mật và viên sỏi tái hình thành. Nếu được điều trị kịp thời, mọi biểu hiện viêm sẽ không còn, mật sẽ không bị ứ lại và như vậy không có nguy cơ tạo sỏi. Khi đã có chỉ định điều trị của bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn không được chủ quan.
(Theo SKĐS)