Bệnh viêm gan A do virut, gọi tắt là viêm gan A (VGA) là bệnh có tỷ lệ mắc cao ở những nước có điều kiện kinh tế còn kém phát triển. Con đường lây lan của bệnh qua đường ăn uống từ người bệnh sang người lành càng làm cho nguy cơ mắc bệnh tăng lên nếu không được kiểm soát một cách đúng đắn.
Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người
VGA được xác định là bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua thức ăn và nước uống bị nhiễm virut viêm gan A (HAV). HAV đào thải qua phân ở cuối thời kỳ ủ bệnh kéo dài hàng tuần (cho tới khi lui bệnh). Bởi vậy, ăn uống mất vệ sinh là điều kiện thuận lợi cho mắc bệnh. Nhân viên y tế, khách du lịch, cô bảo mẫu... là những đối tượng có nguy cơ cao, dễ mắc phải căn bệnh này. Nhiễm khuẩn thức ăn, nguồn nước là nguy cơ gây ra những vụ dịch lớn nhỏ hiện nay. VGA có thể lây truyền qua truyền máu, tuy nhiên khả năng lây theo phương thức này là rất hy hữu.Bệnh VGA được biết đến từ rất sớm, ngay từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, Hyppocrate đã mô tả lâm sàng bệnh này với tên gọi là "bệnh vàng da truyền nhiễm". Đến năm 1947, bệnh được đặt tên là VGA để phân biệt với bệnh viêm gan B - một bệnh viêm gan virut lây bằng đường máu.
VGA là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lưu hành khắp trên thế giới, tuy nhiên tính phổ biến khác nhau ở từng vùng. Ở các nước nghèo, các nước đang phát triển với điều kiện vệ sinh kém, bệnh VGA rất phổ biến. Ở Đông Nam Á, VGA thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Một nghiên cứu tiến hành ở Indonesia cho biết, có những vùng tỷ lệ nhiễm HAV ở trẻ em dưới 4 tuổi lên đến 90-100%. Việt Nam cũng là nước có mức độ lưu hành rộng rãi căn bệnh này. Một nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết tại huyện Tân Châu (An Giang) tỷ lệ nhiễm HAV ở trẻ em là 97%. Tại các bệnh viện, HAV là nguyên nhân của khoảng 30-50% số trường hợp viêm gan cấp. Ngược lại, tại các nước phát triển, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... nhờ điều kiện sống đầy đủ và vệ sinh cộng với chương trình tiêm chủng vaccin viêm gan A sớm được triển khai nên tỷ lệ nhiễm HAV liên tục giảm.
Có thể tử vong vì viêm gan A
Người ta chia bệnh làm các dạng khác nhau đó là:
Viêm gan cấp tính: Sau một thời gian ủ bệnh, trung bình là 30 ngày, bệnh nhân khởi phát đột ngột các dấu hiệu bệnh giống như cảm cúm: sốt, ho, đau mỏi cơ, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu. Chính vì dấu hiệu này mà nhiều người chủ quan, cho rằng chỉ bị cảm cúm thông thường, nếu không được phát hiện sớm bệnh sẽ nặng lên, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Sau 5-7 ngày với những triệu chứng trên, bệnh nhân hết sốt nhưng vẫn tiếp tục mệt mỏi và chán ăn. Dấu hiệu vàng mắt, vàng da xuất hiện tăng dần và thường kéo dài từ 2-4 tuần. Bệnh VGA cấp tính thường tự khỏi, người bệnh đi tiểu nhiều và hết vàng da, vàng mắt nhưng có khoảng 2% số trường hợp diễn biến nặng, có thể dẫn đến suy gan, hôn mê gan, làm cho người bệnh tử vong.
Viêm gan tối cấp: Bệnh diễn biến nhanh chóng trong một tuần với sốt cao, vàng mắt, mệt lả, gan teo nhỏ và hôn mê gan thường là biểu hiện cuối cùng trước khi tử vong.
Viêm gan kéo dài: Hiện tượng này rất ít gặp nhưng hiện tượng ứ mật kéo dài, đôi khi xảy ra có thể là từ 2-3 tháng, nhưng ít khi để lại hậu quả nặng nề. Không ghi nhận thể viêm gan mạn tính hoặc tình trạng mang HAV suốt đời.
Vaccin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất
Hầu hết các trường hợp VGA cấp tính thường diễn biến nhẹ. Phương pháp điều trị chủ yếu là nằm nghỉ ngơi trong thời gian mắc bệnh. Đồng thời các bác sĩ sẽ điều chỉnh những rối loạn chức năng: truyền dịch, lợi mật, lợi tiểu... Tuy nhiên không vì thế mà người bệnh tự điều trị tại nhà mà cần đến bệnh viện để khám, xét nghiệm (men gan, các chức năng gan và Anti- HAV lớp IgM...) để xác định bệnh và tiên lượng chính xác xem người bệnh mắc VGA ở thể nào, cấp tính, tối cấp hay viêm gan kéo dài, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đa số các bệnh nhân cần được nằm điều trị nội trú tại bệnh viện. Khi mắc bệnh, người bệnh cần được chăm sóc tốt, ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, không nên ăn những thứ nhiều mỡ, đường... tránh cho gan phải làm việc mệt nhọc.
Trước đây khi chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu, người ta sử dụng liệu pháp tiêm dự phòng bằng globulin miễn dịch - Ig, song hiệu quả thấp và thời gian miễn dịch ngắn (khoảng 1 tuần). Cách ly người bệnh, ăn uống vệ sinh cũng là biện pháp phòng bệnh nhưng không thật sự đặc hiệu, không ngừa được đại dịch xảy ra. Hiện nay, vaccin viêm gan A (vaccin sống bất hoạt, giảm độc lực) đã được sử dụng trên toàn thế giới và Việt Nam, có tính miễn dịch và độ an toàn cao. Với lịch tiêm chủng là 0; 1; 6 tháng, chúng ta có thể yên tâm không bị mắc bệnh viêm gan A, một căn bệnh gây dịch, ảnh hưởng tới sức khỏe cá nhân và xã hội. Vaccin viêm gan A đã và đang được triển khai tới tận cơ sở.
(Theo SKĐS)