Long não đặc hay bột long não, y học hiện đại gọi là camphor, được lấy từ gỗ (bộ phận chính), rễ, lá cây long não (Cinnamonium camphora Presl) bằng phương pháp chưng cất.
Long não đặc có màu trắng, mùi thơm mạnh, vị cay nóng, được dùng riêng trong y học hiện đại dưới dạng thuốc tiêm (dầu long não 10-20% và dung dịch natri camphosulphonat) làm thuốc kích thích trung khu hô hấp và trung khu vận mạch trong trường hợp suy hô hấp, suy tuần hoàn, ngộ độc các thuốc ức chế thần kinh trung ương như thuốc gây mê; hoặc thuốc nước (long não nước 0,1%) với liều lượng 0,1- 0,2g để chữa đau bụng nôn mửa, ăn không tiêu; cồn long não 10% hoặc dầu long não (200g long não đặc trong 800g dầu lạc) là thuốc xoa bóp phổ biến trong bệnh đau khớp, đau cơ, viêm da mẩn ngứa, chân tay lạnh. Long não đặc 2g tán nhỏ trộn với lanolin 10g, vaselin 15g, làm thành thuốc mỡ để bôi chữa lở vành tai...
Y học cổ truyền dùng long não đặc phối hợp với một số vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa hắc lào:Long lão đặc 12g, rễ bạch hạc 10g, chanh 1 quả. Rễ bạch hạc giã nhỏ trộn với dịch chanh và long não. Bôi hàng ngày.
Chữa bong gân, chấn thương, sai khớp:Dùng dạng cao dán gồm long não đặc, tinh dầu hồi, ngải cứu, cúc tần, quế, menthol.
Chữa hôi nách:Long não đặc 0,4g, gừng sống một miếng, giã nát trộn đều, xoa vào nách ngày vài lần.
Chữa viêm họng, ho đờm khò khè:Long não đặc 1,5g, phèn chua 7g. Tất cả tán nhỏ, hòa tan trong ít cồn, rồi thêm nước ấm cho được 30ml. Khi dùng lấy tăm bông tẩm thuốc bôi vào họng, ngày làm vài lần.
Chữa tiêu chảy thể hàn:Long não đặc 25g, gừng tươi 25g, đại hoàng 20g, quế 10g, đại hồi 10g. Tất cả tán nhỏ, ngâm trong rượu 70o để được 1 lít. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25-30 giọt hoà với nước nguội (Biệt dược tế chúng thủy).
Chữa sâu quảng:Long não đặc trộn với bột hoàng liên (lượng bằng nhau), rắc lên vết thương đã được rửa sạch bằng nước sắc đặc búp lá bàng.
(Theo SKĐS)