Con trai tôi được 28 tháng. Cháu đã ăn cơm được một thời gian nhưng vẫn đái dầm khi ngủ. Tôi nghe nói, khi trẻ đã ăn cơm thì không còn đái dầm nữa. Tôi rất lo lắng, không biết con tôi có phát triển bình thường không? Có cần điều trị không?
Nguyễn Thị Hoa(Hà Tĩnh)
Đái dầm là một hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng ở lứa tuổi học sinh hay người trưởng thành vẫn gặp hiện tượng này, mặc dù tỷ lệ rất ít. Có rất nhiều nguyên nhân gây đái dầm, có thể do di truyền, do rối loạn giấc ngủ (trẻ khó tỉnh giấc ngủ sâu khi bàng quang căng đầy nước tiểu), do chậm phát triển hệ thần kinh trung ương hay do yếu tố nội tiết, nhiễm khuẩn tiết niệu, bất thường cột sống... Ở trẻ nhỏ, do chức năng kiểm soát nước tiểu chưa phát triển hoàn thiện nên thường diễn ra tự động, chu kỳ thường là khoảng 2-3 giờ/1lần. Khi trẻ lên 2-3 tuổi, khả năng nín tiểu lâu hơn vào ban ngày, dần dần có thể kiểm soát khi ngủ. Ở những lứa tuổi khác nhau, trẻ có khả năng kiểm soát bàng quang khác nhau nhưng phần lớn trẻ không bị đái dầm sau 5 tuổi. Con chị mới được hơn 2 tuổi mà vẫn đái dầm thì chưa đến mức phải lo lắng và cũng chưa cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên, chị cũng cần hạn chế cho trẻ uống nhiều nước hay sữa trước khi đi ngủ, tạo cho trẻ thói quen đi tiểu trước khi ngủ, đánh thức trẻ đi tiểu khi trẻ đã tỉnh ngủ hẳn... Nếu trên 5 tuổi mà cháu vẫn có hiện tượng đái dầm khi ngủ thì chị nên đưa cháu đến chuyên khoa thận - tiết niệu để được khám xác định nguyên nhân mới có biện pháp điều trị thích hợp.(Theo SKĐS)