Y học cổ truyền quan niệm tóc là phần thừa của huyết. Những người đầy đủ huyết dịch thì tóc sẽ khỏe, không bị gãy, rụng hoặc bạc sớm. Trái lại, khi bị huyết hư (thiếu máu), sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và sức khỏe của tóc.
Cân đối dinh dưỡng
Bình thường, người trẻ tuổi khí huyết đầy đủ nên tóc xanh tốt, mềm mại, khỏe khoắn nhưng khi đến tuổi già thì hoạt động của tạng can và thận suy yếu, đầu tóc trở nên trắng xóa, dễ rụng. Nếu tuổi chưa cao mà tóc rụng nhiều và bạc sớm thì cần phải nuôi tóc khỏe trở lại bằng cách làm bổ can, bổ thận, dưỡng huyết.
Để có huyết dịch, một chế độ ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng là rất đáng quan tâm. Lưu ý sử dụng các thực phẩm giàu đạm dễ tiêu, dầu thực vật, ngũ cốc (chưa tinh chế), các loại đậu hạt, rau, củ, quả, hoa các loại; thực phẩm giàu vitamin (A, C và các vitamin nhóm B), nhiều sắt, kẽm, selenim...
Những thực phẩm rất có ích cho sức khỏe của tóc, điển hình như nấm hương, đậu đen, nấm mèo, đại táo, mè đen, tóc tiên, cải bó xôi, rau cần, bí đỏ, giá đậu, cà rốt, cà chua, xà lách xoong, hành tây, dưa hấu, đu đủ chín, mít, long nhãn, vải, sữa tươi, hải sâm, cá trê, cá lóc, lươn, cá chạch, rùa, ba ba, thịt bò, thịt gà, cá trắm, lộc nhung, yến sào, hà thủ ô...
Sau đây là một vài món ăn tiêu biểu, dễ làm và rất có lợi cho sức khỏe của tóc:
- Cháo hà thủ ô: 15 g - 20 g hà thủ ô đỏ, khô, rửa sạch, ngâm mềm, sắc lấy nước để nấu với gạo tẻ cùng đại táo, thành cháo nhừ. Thêm ít đường phèn, đánh tan. Dùng ăn vào lúc đói bụng.
- Canh thịt heo - mè đen: Nấu 60 g mè đen cùng 40 g phục linh khoảng 30 phút, cho 10 g hoa cúc và 250 g thịt heo nạc (đã ướp gia vị) vào. Nấu tiếp cho chín, nêm gia vị và dùng trong bữa cơm.
- Thịt gà chưng rau bó xôi: Đem chưng cách thủy 100 g -150 g thịt gà cùng với gia vị vừa ăn. Khi thịt gà chín mềm, cho 80-120 g rau bó xôi vào, chưng tiếp 20-30 phút. Ăn khi đói bụng.
- Bắp bò hầm hà thủ ô: Nấu nửa lít nước trong nồi đất cho thật sôi, cho 200 g bắp bò cùng hà thủ ô đỏ (15 g - 20 g khô) và 6 quả đại táo, 2 lát gừng sống cùng hầm cho chín nhừ. Cho mè đen (rang chín, giã mịn) vào, nấu thêm 15 - 20 phút, vớt bắp bò ra xắt lát mỏng, cho vào tô, múc nước hầm tưới lên bắp bò.
Ăn nóng trong bữa cơm. Lưu ý người bị tiêu chảy không dùng món này.
- Trứng cút nấu long nhãn: Trứng chim cút 6-8 cái, long nhãn nhục 15 g tươi hoặc 8 g khô. Cho 2 thứ vào nồi với 300 ml nước, nấu sôi khoảng 10 phút, ăn vào lúc đói bụng.
Theo đông y, quả dâu tằm dùng để chữa can thận yếu, thiếu máu, suy nhược cơ thể, tiêu khát, táo bón, mất ngủ, tóc bạc sớm (người thường đi tiêu lỏng không dùng được).
Nếu có điều kiện, chúng ta nên chế biến một số món sau đây để sử dụng sẽ rất có lợi cho sức khỏe của tóc:
- Quả dâu tằm 60 g, ý dĩ nhân sống 30 g, đậu xanh 30 g. Ba thứ rửa sạch, để ráo, cho vào siêu đất nấu với 4 chén nước, sắc còn 2 chén. Thêm đường vừa đủ, bỏ bã, uống nước.
- Chọn 2 kg quả dâu chín cho vào lọ thủy tinh, cứ một lớp dâu thì một lớp đường cát trắng.
Đưa bình ra phơi nắng để nước dâu chảy ra và lên men, lấy nước uống, ngày dùng 20 ml - 30 ml trước bữa ăn.
Nếu sắc quả dâu để uống thì không nên dùng quá 20 g/ngày.
(theo Người lao động)
Xem tiếp >>