Bài thuốc chữa bệnh - Banner
HOME MENU Bài thuốc chữa bệnh - Tìm kiếm

Xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh, hướng dẫn chi tiết các thủ thuật cơ bản trong bấm huyệt

Liên hệ tư vấn chữa bệnh

Xoa bóp, bấm huyệt

Xoa bóp, day bấm huyệt là phương pháp dùng tay tác động lên da thịt và một số vùng nhất định trên cơ thể (gọi là huyệt) để phòng và chữa một số chứng bệnh.

Dân gian đã biết xoa bóp từ hàng ngàn năm nay. Nhiều nước ở phương Đông và phương Tây đã biết làm xoa bóp (massage). Tuy nhiên quan niệm, kĩ thuật và mục đích xoa bóp có khác nhau.

Bấm huyệt chữa bệnh

Ở Việt Nam, có các dạng: tẩm quất, xoa bóp, đánh gió. Có trường phái khi xoa bóp, chú ý tác động và hai bên cột sống là chính. Có trường phái khi xoa bóp, chú ý kết hợp tác động lên các huyệt. Bởi vậy xuất hiện các tên gọi day bấm huyệt, điểm huyệt day huyệt cột sống … Nhiều sách đã nói đến cơ chế, tác dụng của xoa bóp là thư cân, hoạt lạc, khu phong tán hàn, hành khí hoạt huyết. Xoa bóp làm tăng tác dụng dinh dưỡng da, cơ, tăng tính dẫn truyền của thần kinh, đặc biệt là hệ thần kinh thực vật. Xoa bóp lặp lại cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết. Xoa bóp là một trong nhiều phương pháp không dùng thuốc của y học cổ truyền, có giá trị trong phòng và chữa một số chứng bệnh.

Có thể tự xoa bóp để phòng các chứng bệnh thấp khớp, cảm mạo, bệnh đường hồ hấp, suy nhược thần kinh, phục hồi chức năng … Chỉ định của xoa bóp khá rộng rãi, có thể áp dụng riêng biệt hoặc phối hợp với một số biện pháp khác trong các chuyên khoa, bệnh ngoài da …

Tuy vậy cần chú ý chống chỉ định trong một số trường hợp sau: người vừa ăn quá no, hay quá đói, quá mệt, quá sợ hãi, lo lắng, một số trường hợp cấp cứu ngoại khoa: bong gân, gãy xương, lao cột sống, các cấp cứu nội khoa như suy tim, cơn hen ác tính, truy tim mạch, các ca cấp cứu trong sản phụ và nhi khoa.

Có thể xoa bóp, day bấm huyệt đơn thần chữa đau đầu do suy nhược thần kinh hay cảm mạo, đau vai gáy, đau lưng cấp, viêm quanh khớp vai, cắt cơn hen, nấc …

Các thủ thuật cơ bản trong xoa bóp bấm huyệt

1. Xát:

Bấm huyệt chữa bệnh

Dùng mô ngón cái, mô ngón út hoặc gốc bàn tay xát lên da người được xoa bóp, có thể chỉ xát vùng đau theo hướng lên xuống, hay từ phải sang trái, cũng có thể xát toàn thân.

Xát có tác dụng làm lưu thông khí huyết, kinh lạc giảm bớt đau sưng.

2. Xoa:

Dùng gốc bàn tay, hoặc mô ngón út, ngón cái xoa chỗ đau, thường xoa theo đường tròn (hay dùng động tác này ở vùng bụng) nơi sưng tấy đỏ. Chú ý làm nhẹ, chậm tránh gây đau thêm cho người bệnh.

3. Miết:

Dùng ngón tay cái, có thể cả 2 ngón cái (phải, trái) miết chặt vào da người bệnh theo chiều từ trên xuống, từ dưới lên, từ phải sang trái và ngược lại. Động tác nay hay dùng cho vùng bụng và đầu.

Miết có tác dụng lưu thông khí huyết, chữa tắc ngạt mũi, đầy bụng, chậm tiêu.

4. Phân, hợp:

Khi phân thì dùng ngón tay cái hay đầu 3 ngón 2.3.4 hoặc ô mô út, đặt sát nhau, kéo đều ra 2 bên. Nếu từ 2 bên kéo vào là hợp. Động tác phân hợp có thể làm trên trán, đầu, mặt, bụng, lưng, ngực.

Tác dụng chung là hành khí tán huyết, giảm đau.

5. Véo:

Dùng đầu ngón tay cái và ngón trỏ kéo và vặn da người bệnh, làm liên tiếp sao cho da người bệnh bị cuộn ở giữa và các ngón tay. Véo dùng ở vùng lưng, trán. Véo cũng có tác dụng lưu thông khí huyết, làm ấm, giảm đau do lạnh.

6. Bấm, điểm:

Dùng dầu ngón tay cái hay đầu ngón tay trỏ, cả 2 bên phải và trái, tác động lên huyệt, hay vị trí nhất định của cơ thể. Chú ý đầu ngón tay phải nhẵn, tránh gây xước, rách da. Muốn tạo lực bấm sâu cần gấp vuông góc với đốt ngón 1 và 2. Bấm và điểm có tác dụng thấm sâu, tuy nhiên bấm thì giữa lức ấn lâu hơn, điểm thì lực tăng dần và tác động nhanh, đột ngột hơn.

Bấm, điểm huyệt được dùng trong các trường hợp cấp cứu, hồi sức, cần lực tác động mạnh có hiệu lực nhanh:

Nhân trung: thập tuyên để chữa ngất. Đối với các bệnh mãn tính, người ta dùng thru pháp này bấm các huyệt khác trên toàn thân gây tác dụng giảm đau, phục hồi chức năng của các bộ phận khác của cơ thể.

Day và xoa hay dùng trong điều trị sưng đau.

7. Phát (vỗ):

Khum bàn tay, lòng bàn tay lõm để phát nhẹ với lực tăng dần trên da người bệnh làm cho da ửng đỏ lên. Lòng bàn tay khum sẽ tạo một khối khí tạo áp lực lên da người bệnh.

Thường dùng thủ thuật này cho các vùng vai, lưng, thắt lưng, tứ chi.

Tác dụng thông kinh lạc, giảm đau, làm ấm vùng thận …

8. Bóp:

Thầy thuốc dùng ngón 1 và 2 của bàn tay hay cả 5 ngón bóp vào da thịt. Khi bóp hơi kéo cơ trên vùng đó của người bệnh lên.

Động tác bóp nên nhẹ nhàng, đúng mức tránh gây đau đớn. Thường dùng động tác này ở cổ gáy, vai nách, chi thể. Bóp có tác dụng thông kinh hoạt lạc, giảm đau do lạnh, dãn cơ.

9. Lăn:

Dùng một bên ở mô út (ngoài lòng bàn tay, phía ngón út) hoặc mặt ngoài ngón út. Thầy thuốc khéo léo vận động khớp cổ tay theo nhịp điệu nhất định gây một sức ép nhất định của phần bàn tay nói trên lăn trên vùng định xoa bóp trên cơ thể người bệnh. Chú ý: Không xát mà là lăn ấn.

Động tác này dùng ở vùng lưng, vai, mông, chi.

Lăn có tác dụng thông kinh lạc, gây ấm da và giảm đau, tăng dẫn truyền thần kinh.

10. Chặt:

Nghiêng bàn tay, các ngón sát nhau. Thầy thuốc vận động cổ tay mềm mại theo chiều vận động ngang của bàn tay để cho mặt ngoài ngón tay út hoặc ở mô út chặt lên da thịt người bệnh. Khi chặt thường phát ra tiếng kêu của bàn tay.

Động tác chặt có thể dùng ở vùng cổ, gáy, vai, lưng, mông. Chặt có tác dụng làm khí huyết lưu thông, giảm đau tê mỏi.

11. Vê:

Thầy thuốc dùng ngón 1 và 2 vê các ngón các khớp ngón của người bệnh. Vê làm lưu thông khí huyết, trơn khớp nhỏ phục hồi cơ năng chi thể.

12. Cuốn:

Thầy thuốc dùng 3 ngón 1,2,3 của 2 bàn tay mình bao lấy vị trí nhất định. Cuốn theo một chiều nhất định, làm da thịt người bệnh chuyển động theo. Sức cuốn nên nhẹ nhàng, có thể cuốn từ trên xuống, từ dưới lên. Cuốn có tác dụng làm dãn mềm cơ khi co cứng.

13. Vận động:

Động tác này để vận động các khớp (khớp cổ tay, khớp vai, đốt sống cổ, cột sống lưng…). Tùy khớp mà có cách vận động khác nhau. Tác dụng chủ yếu là lưu thông khí huyết, phục hồi chức năng vận động của khớp.

Khớp cổ tay: một tay thầy thuốc cầm bàn tay người bệnh một giữ trên cẳng tay. Thầy thuốc lay động nhẹ, nhịp nhàng tay người bênh lên xuống qua phải, qua trái.

Khớp vai: Một tay thầy thuốc (thường là tay trái) để lên vai người bệnh, tay phải nắm bàn tay hay cánh tay người bệnh, vận động khớp vai theo 3 chiều lên xuống, ra trước, ra sau.

Khớp cổ bàn chân: Người bệnh ngồi hay nằm, một tay thầy thuốc cầm bàn chân, một tay giữ vững 1/3 dưới cẳng chân lắc, xoay cổ chân người bệnh theo chiều gấp, ngửa, phải, trái, quay tròn. Tác dụng chung của vận động khớp là làm lưu thông khí huyết, tăng dinh dưỡng ở khớp làm ổ khớp vận động mềm mại, dễ dàng, chống xơ cứng, phục hồi chức năng cơ khớp.

14. Rung:

Người bệnh ngồi trên ghế ngay ngắn, thầy thuốc đứng bên người bệnh. Hai hay một bàn tay thầy thuốc cầm bàn tay người bệnh ở thể xòe các ngón tay. Tay thầy thuốc rung đều, bàn tay người bệnh rung theo, lan dần lên cánh tay, khớp vai. Rung dùng cho chi trên, đặc biệt để chữa viêm dính khớp vai.

Ngoài ra trong thực tế còn có thể kể tới trên 30 động tác có một số thủ thuật xoa bóp khác. Nhưng những động tác trên đây là cơ bản. Khi đã chẩn đoán bệnh ở một vị trí nhất định, thầy thuốc chỉ cần làm một số thủ thuật thích hợp với loại bệnh đó, không nhất thiết phải làm đủ cả 15 động tác kể trên. Thời gian làm xoa bóp tùy từng loại bệnh có thể làm 7 – 8 phút hoặc 20 – 30 phút và có thể làm liệu trình vài tuần.

Thaythuoccuaban.com Tổng hợp

*************************

Thông tin trên Website :www.thaythuoccuaban.comchỉ có tính chất tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chữa bệnh.

. Địa chỉ: Số 482 lô 22C Đường Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng. GP : 197GCN HNY SYTH

Tư vấn sức khỏe trực tuyến  Tư vấn sức khỏe trực tuyến   Đầu trang